Giá trị thương hiệu - tài sản tiềm năng bị bỏ quên của nhiều doanh nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường quan tâm đến doanh số nên chú tâm đầu tư làm marketing để bán hàng hơn là xây dựng hình ảnh công ty. Chỉ đến khi không thể phát triển théo hướng đó thì doanh nghiệp mới có kế hoạch xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên đây lại là một món tài sản tiềm năng đang bị bỏ quên lãng phí.

Giá trị thương hiệu là một phần tài sản rất lớn của doanh nghiệp. Nó có thể chiếm đến 70% tổng tài sản công ty. Thế nhưng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đầu tư khía cạnh này dù trên thực tế có những thương hiệu được định giá đến vài tỷ USD.

Forbes Việt Nam cuối tháng 7/2018 vừa qua đã công bố danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam. Theo đó, tổng giá trị các thương hiệu hàng đầu trong xếp hạng năm nay là hơn 8,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017.

Trong đó, vị trí thứ nhất là Vinamilk với giá trị thương hiệu đạt 2,28 tỷ USD. Viettel xếp thứ hai với giá trị thương hiệu là 1,39 tỷ USD. VNPT đứng thứ ba với giá trị đạt 416 triệu USD, FPT xếp vị trí thứ 10 với giá trị thương hiệu đạt 169 triệu USD. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về giá trị to lớn của thương hiệu đang đem lại cho doanh nghiệp.

Người đại diện của Vinamilk cho biết: Để có được vị trí số 1 trong bảng xếp hạng này là cả một quá trình đầu tư, nghiên cứu, sản xuất để mang đến cho người sử dụng những sản phẩm chất lượng nhất. Trong nước, sữa nước của Vinamilk dẫn đầu thị trường với hơn 50% thị phần và sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về sản lượng lẫn doanh số trong phân khúc nhóm các nhãn hiệu sữa tươi kể từ năm 2015 (Nielsen).

Hiện Vinamilk nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần trong ngành hàng sữa bột tại Việt Nam. Hệ thống bán hàng của doanh nghiệp này phủ rộng cả nước ở cả 3 hình thức phân phối là bán buôn, bán lẻ (240.000 điểm bán lẻ) và cửa hàng phân phối trực tiếp (575 cửa hàng). Sản phẩm của Vinamilk cũng có mặt ở gần 1.500 siêu thị, gần 600 cửa hàng tiện lợi và kênh thương mại điện tử.

Ngoài ra, Vinamilk đã được xuất khẩu sang 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc, Thái Lan...

Đứng thứ hai là Viettel hiện sở hữu 100 triệu khách hàng, là 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Hiện tại, Viettel đã phát triển nhiều ngành nghề mới như công nghiệp điện tử viễn thông, an ninh mạng, vũ khí công nghệ cao...

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, FPT là thương hiệu hàng đầu khi có đầy đủ các hoạt động từ phát triển phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin cho đến dịch vụ viễn thông và nội dung số, phân phối - bán lẻ các sản phẩm công nghệ... Các lĩnh vực FPT tham gia hầu hết đều thành công, đưa Công ty trở thành một trong những TH tư nhân lớn tại Việt Nam.

Với sự hiện diện tại 21 quốc gia và cung cấp dịch vụ cho hơn 450 khách hàng, trong đó có 50 khách hàng thuộc danh sách Forbes 500, TH FPT đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp chưa quan tâm đến phát triển thương hiệu

Những ví dụ trên đã cho thấy thương hiệu có thể mang đến nhiều giá trị cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế không nhiều đơn vị quan tâm đến vấn đề này. Kết quả khảo sát về xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Thương mại cho thấy, chưa đầy 1% doanh nghiệp quan tâm và đầu tư thích đáng cho thương hiệu. Hầu hết doanh nghiệp mới chỉ quản trị thương hiệu ở mức độ thấp như làm bộ nhận diện, đăng ký bảo hộ...

Chia sẻ tại một hội thảo về TH mới đây, PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu Đại học Thương mại cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu đúng về chiến lược xây dựng thương hiệu. Hầu hết doanh nghiệp chỉ quản trị thương hiệu ở mức: làm thế nào để có được bộ nhận diện, đăng ký bảo hộ ở thị trường ra sao, làm thế nào để hệ thống dấu hiệu được triển khai trong thực tiễn hoạt động...Các doanh nghiệp nhỏ thường cho rằng xây dựng thương hiệu là tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn nên họ không chú trọng công việc này. Chỉ khi nào thấy không thể phát triển theo hướng đó, doanh nghiệp mới nghĩ đến xây dựng thương hiệu.

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chiến lược xây dựng thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp ghi dấu ấn mạnh mẽ với khách hàng, gây dựng chữ tín mà còn nâng cao sức cạnh tranh.

Hãy nghĩ đến xây dựng thương hiệu như là sự đầu tư lâu dài cho tương lai. Không cần chi một lúc nhiều tiền mà từng ít một trong một thời gian dài. Và quan trọng là phải có định hướng ngay từ đầu để tránh lãng phí. Cần đưa ra định hướng để có những thông điệp nhất quán, không nên mỗi lần làm một kiểu sẽ không hiệu quả, ông Lại Tiến Mạnh khuyên.

Nguồn: Tổng hợp