Nhượng quyền thương mại : Việt Nam còn nhiều tiềm năng

Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên 6% với sự đô thị hóa ngày càng tăng. Dân số trẻ và muốn chi tiêu cho ăn uống ở ngoài nhiều hơn.

Ông đánh giá thế nào về thị trường nhượng quyền ở Việt Nam hiện tại và triển vọng thời gian tới?

Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên 6% với sự đô thị hóa ngày càng tăng. Dân số trẻ và muốn chi tiêu cho ăn uống ở ngoài nhiều hơn. Trên thực tế, tại Việt Nam, người dân đã dành 15% chi tiêu cho ăn uống, đứng thứ nhì sau chi tiêu vào cửa hàng tạp hóa. Thời gian qua, đã có hơn 148 thương hiệu nhượng quyền thành công tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng đó là khá nhỏ so với Indonesia và Philippines, hai quốc gia lần lượt có hơn 600 và 2.000 hệ thống nhượng quyền thương mại.

Vì vậy, trong tương lai, với tình hình kinh tế thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng đối với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng ngày càng tăng, sự nhạy bén của nhà đầu tư nên hoạt động nhượng quyền thương mại của Việt Nam sẽ rất sôi động.

Những khó khăn mà các thương hiệu nước ngoài gặp phải khi nhượng quyền tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Những khó khăn mà các thương hiệu nước ngoài phải đối mặt chính là giá thuê mặt bằng cao cho không gian bán lẻ cũng như không gian hạn chế ở các khu vực trung tâm - nơi mà tất cả các thương hiệu đều muốn. Chính sự cạnh tranh đó nên các trung tâm mua sắm bên ngoài khu trung tâm hấp dẫn hơn đối với các thương hiệu nước ngoài. Các dự án phát triển nhà ở mới ngoài khu vực trung tâm như quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) cũng thu hút khách hàng, là động lực khuyến khích thêm cho các thương hiệu nước ngoài bắt đầu hoạt động của họ ở các quận xung quanh.

Ngoài ra, mức độ hiểu biết về hệ thống và khả năng tìm kiếm đối tác nhượng quyền phù hợp với khả năng phát triển và duy trì cũng được xem là khó khăn. Các nhà nhận nhượng quyền cũng tìm kiếm các nhãn hiệu nhượng quyền thương hiệu thành công và không muốn đầu tư vào các thương hiệu mà họ thấy ít hệ thống vận hành hay có thể nhân rộng được ở châu Á không chỉ ở Việt Nam.

Để phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới, theo ông cần có những thay đổi gì?

Mỗi quốc gia có nhiều luật khác nhau về kinh doanh và nhượng quyền thương mại để bảo vệ thương hiệu nhượng quyền và cho người nhận quyền. Ở hầu hết các quốc gia, thời gian để xử lý thủ tục hành chính thường là mối quan tâm chính khi doanh nghiệp muốn bắt đầu nhượng quyền thương mại càng sớm càng tốt. Theo thời gian và khi việc nhượng quyền thương mại trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam, luật pháp và thời gian có thể sẽ dễ dàng hơn nhưng vấn đề cần quan tâm đó là tất cả các bên liên quan cần phải được bảo vệ và có các quy trình trong việc thành lập doanh nghiệp cần được thực hiện nhanh hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (Thực hiện) - Báo Công Thương